Nếu lựa chọn ngành Luật khi chưa tìm hiểu kỹ càng về ngành học này, bạn sẽ dễ dàng va chạm phải những khó khăn và những sai lầm không đáng có. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm về cơ hội nghề nghiệp ngành Luật nhé!
Ngành Luật hiện đang là một ngành học được khá nhiều bạn trẻ quan tâm hiện nay bởi cơ hội làm việc rộng mở và sở hữu mức lương đáng mơ ước. Tuy nhiên thì đây không phải là ngành mà ai muốn học cũng được do tính chất công việc đòi hỏi khá nhiều yếu tố và sự cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt.
I. Ngành Luật học những gì?
1. Các chuyên ngành đào tạo
– Luật hình sự: Chuyên ngành này cung cấp cho sinh viên những kiến thức thực tiễn về tư pháp hình sự với các môn học như: Đấu tranh phòng chống tội phạm, trách nhiệm hình sự và hình phạt, tâm lý học tư pháp,…
– Luật dân sự: Các kiến thức về luật dân sự sẽ được trang bị cho sinh viên khi theo học chuyên ngành này như: Hợp đồng lao động, thừa kế, hợp đồng dân sự, luật hôn nhân gia đình,…
– Luật hành chính: Các kiến thức chuyên sâu về luật hành chính sẽ được cung cấp cho sinh viên theo đuổi chuyên ngành này như: Cơ cấu tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; khoa học quản lý nhà nước và điều hành công sở;…
– Luật thương mại: Khi theo học chuyên ngành Luật thương mại, các sinh viên sẽ được trang bị kiến thức pháp luật có liên quan đến lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng,… Và được cung cấp các kiến thức về luật trong kinh doanh.
– Luật quốc tế: Chuyên ngành này sẽ trang bị cho sinh viên những hành trang kiến thức cơ bản liên quan đến chức năng đối ngoại của nhà nước trong quan hệ quốc tế, đàm phán hợp đồng ngoại thương, giải quyết các tranh chấp dân sự nước ngoài có liên quan đến nước mình.
– Ngành Quản trị – Luật: Những kiến thức kinh doanh, quản trị và luật làm nền tảng nghề nghiệp sẽ được trang bị cho sinh viên theo học tại chuyên ngành. Ngoài ra khả năng hoạch định chiến lược phát triển doanh nghiệp, hiểu biết các vấn đề về quản trị và các vấn đề có liên quan đến các yếu tố pháp lý,… cũng được trau dồi và rèn luyện cho sinh viên.
2. Nội dung đào tạo của ngành Luật
Sinh viên theo học ngành Luật sẽ được truyền đạt các kiến thức về luật ở hầu hết các lĩnh vực. Chuyên ngành mà sinh viên lựa chọn sẽ đào tạo các kiến thức chuyên sâu về pháp luật, pháp lý, kiến thức về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội có liên quan đến pháp luật. Sinh viên không chỉ có các kiến thức chuyên sâu về ngành Luật mà còn được học các môn học chuyên sâu có liên quan nhằm nâng cao khả năng tư duy nghề nghiệp như: Luật hình sự, tâm lý học, tư pháp quốc tế, luật thương mại quốc tế, luật tố tụng dân sự,…
Bất cứ ở ngành nghề nào thì kỹ năng trong nghề vẫn là một yếu tố vô cùng quan trọng. Vì vậy mà sinh viên ngành Luật còn được trang bị một số kỹ năng cần thiết như: kỹ năng phân tích pháp luật, phân tích rủi ro pháp lý, nghiên cứu, đàm phán, soạn thảo hợp đồng hay soạn thảo văn bản pháp lý,… và được tạo điều kiện thực tập tại các cơ sở pháp lý.
II. Tại sao nên học ngành Luật?
Cơ hội nghề nghiệp ngành Luật sẽ trở nên rộng mở hơn khi bạn có thể dễ dàng tìm thấy một cơ hội việc làm rộng mở ở trong các cơ quan nhà nước, các văn phòng công ty có liên quan đến pháp lý. Ngành Luật còn giúp bạn có thêm khả năng bảo vệ bản thân và gia đình vì khi tuân thủ pháp luật và có hiểu biết pháp luật thì chúng ta mới có đủ khả năng bảo vệ bản thân và bào chữa, bảo vệ cho những người thân yêu của mình.
Không chỉ có kiến thức mà học ngành Luật còn rèn luyện thêm cho ta kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng mềm, kỹ năng nghe và đàm phán, khả năng thuyết phục khách hàng, tư vấn, tạo niềm tin đối với khách hàng. Ngành Luật còn là một ngành rất được xã hội coi trọng và đóng vai trò quan trọng trong hầu hết mọi lĩnh vực đời sống xã hội và có thu nhập cao thứ hai trong các nghề của xã hội. Ngoài ra, môi trường làm việc chuyên nghiệp cũng là một yếu tố đắt giá khi theo đuổi ngành Luật bởi vì môi trường làm việc của ngành Luật luôn được đảm bảo các yếu tố về sự tôn nghiêm và quyền lực.
III. Tố chất phù hợp với ngành Luật
– Tư duy phản biện tốt: Một trong những yếu tố đầu tiên cần có để theo đuổi ngành Luật mà không phải ai cũng có chính là khả năng tư duy phản biện tốt. Bởi trong công việc của ngành Luật sẽ thường xuyên diễn ra các cuộc nói chuyện, tranh chấp mà ở đó chỉ có tư duy phản biện tốt mới có thể “sống sót” trong những cuộc nói chuyện ấy.
– Có năng lực đàm phán và thuyết phục: Ngoài việc có tư duy phản biện tốt người học Luật cần phải có và trau dồi thêm khả năng đàm phán và thuyết phục. Trước mỗi hoàn cảnh, bạn cần phải biết lúc nào nên mềm mỏng, để khéo léo thích ứng với hoàn cảnh đang diễn ra.
– Yêu thích việc giải quyết vấn đề: Khi theo đuổi ngành Luật bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề cần bạn đưa ra hướng giải quyết. Vì vậy nên yêu thích việc giải quyết giúp đề sẽ giúp bạn theo đuổi ngành Luật xa hơn mà không thấy nhàm chán.
– Có khả năng diễn đạt tốt: Có khả năng diễn đạt tốt sẽ giúp những lời nói của bạn trở nên dễ hiểu, ngắn gọn và có sức thuyết phục người nghe hơn. Đây là yếu tố khá cần thiết và có thể tự mình rèn luyện được khi học ngành Luật, hãy thử tưởng tượng một luật sư nói chuyện vòng vo không thể đi thẳng vào vấn đề đi nào. Vì vậy đây là yếu tố khá quan trọng.
– Có khả năng đọc hiểu: Các bộ Luật của nhà nước có số lượng rất nhiều. Vì vậy, bạn cần có khả năng đọc hiểu tốt để có thể hiểu cặn kẽ những điều Luật đó đang nói về những gì.
– Ham đọc sách: Như đã nói ở trên, các bộ Luật của nhà nước rất nhiều, các thủ thuật đàm phán, các quy tắc, các kinh nghiệm từ người đi trước đều tồn tại trong sách. Vì vậy, ham đọc sách, tìm tòi học hỏi sẽ giúp bạn vươn cao vị trí trong ngành hơn.
– Am hiểu nhiều lĩnh vực đời sống – xã hội: Để theo đuổi được ngành Luật bạn phải có sự am hiểu nhiều lĩnh vực trong đời sống và xã hội, từ đó mới có thể đưa ra các quyết định đúng đắn và tìm ra lối giải quyết phù hợp.
– Có bản lĩnh, lập trường vững vàng: Để trở thành một người làm việc trong ngành Luật bạn cần phải có bản lĩnh và lập trường vững vàng trước những ý kiến trái chiều, dứt khoát không trở thành kẻ “gió chiều nào theo chiều nấy”.
– Công bằng, khách quan và trung thực: Công bằng và khách quan chính là các điều lệ hàng đầu cần phải có ở ngành Luật vì đây là ngành của công lý và lẽ phải. Vì vậy để theo đuổi ngành Luật bạn cần phải có cái nhìn công bằng, khách quan và trung thực.
– Chăm chỉ, kiên trì và nhẫn nại: Ở ngành Luật một vấn đề khi xuất hiện không phải chỉ ngày một ngày hai là có thể giải quyết. Vì vậy bạn cần phải có sự chăm chỉ, kiên trì và nhẫn nại mới có thể giải quyết vấn đề một cách triệt để nhất.
IV. Cơ hội nghề nghiệp ngành luật
1. Mức lương trong ngành Luật
Để xác định được mức lương trong ngành Luật ta xác định dựa trên các yếu tố tính chất, vị trí công việc cũng như khả năng chuyên môn và kinh nghiệm làm việc của mỗi người. Ở vị trí luật sư sẽ được hưởng mức lương do văn phòng luật sư trả tùy vào năng lực và sự đóng góp của luật sư. Nhưng cam kết sẽ không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định dành cho ngành Luật.
Cụ thể mức lương trung bình của luật sư tại các văn phòng luật sư, hoặc các công ty tư nhân sẽ rơi vào khoảng 4 – 6 triệu đồng/ tháng cho các sinh viên mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm. Khi đã có trên 3 năm kinh nghiệm thì mức lương sẽ giao động ở mức trên 10 triệu/tháng. Và cuối cùng khi đã có trên 5 năm kinh nghiệm, mức lương mỗi tháng sẽ giao động ở mức trên 15 triệu/tháng.
2. Cơ hội nghề nghiệp ngành luật
Cơ hội việc làm ngành luật tuy đa dạng nhưng không phải cơ hội nào cũng tốt, cũng ổn định. Có nhiều người tìm được công việc ổn định với mức thu nhập tương xứng, nhưng cũng có không ít người chưa tìm kiếm được vị trí công việc phù hợp. Học ngành Luật không chỉ tốt nghiệp để làm luật sư, chỉ làm việc tại tòa án, mà bạn còn có thể làm việc tại nhiều bộ phận cơ quan khác nhau hoặc các vị trí pháp lý tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các công ty.
Ngoài ra cơ hội việc làm của ngành Luật còn phụ thuộc chủ yếu vào chính khả năng, kiến thức chuyên môn, các kỹ năng trong nghề của chính bản thân. Việc học tại trường chỉ là nền tảng để bạn có thể phát triển sự nghiệp sau này vì vậy bạn cần phải trau dồi hơn những kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết, kiến thức chuyên môn để hỗ trợ cho ngành nghề của mình.
– Công chứng viên: Thực hiện các công việc tư vấn, tiếp nhận hồ sơ công chứng, tư vấn hồ sơ công chứng theo yêu cầu của khách hàng, soạn thảo văn bản công chứng và ký hồ sơ trực tiếp tại các cơ quan nhà nước.
– Chuyên viên pháp chế: Việc tuyển dụng chuyên viên pháp chế nhằm tìm ra người đảm nhận vai trò soạn thảo và kiểm tra các vấn đề thủ tục pháp lý của công ty, kiểm tra tính phù hợp các văn bản nội bộ, các hợp đồng, hồ sơ dự án đầu tư. Giám sát việc tuân thủ các văn bản nội bộ và các quy định pháp luật, đại diện công ty làm việc với các cơ quan hữu quan và tham gia tố tụng, tranh chấp khi có yêu cầu.
– Tư vấn pháp lý: Là vị trí tư vấn pháp luật trực tiếp cho khách hàng, soạn thảo hợp đồng và các văn bản pháp lý, Ngoài ra còn tham gia tố tụng trong các vụ án dân sự, hành chính.
– Luật sư: Sẽ là người làm việc trực tiếp tiếp nhận hồ sơ và yêu cầu của khách hàng từ đó nghiên cứu hồ sơ và pháp luật để tư vấn bảo vệ quyền lợi cho khách hàng. Ngoài ra còn đảm nhận công việc hỗ trợ khách hàng soạn thảo hồ sơ khởi kiện, công văn, giấy tờ trao đổi và thay mặt hoặc cùng khách hàng tham dự các buổi làm việc có liên quan đến cơ quan chức năng và bảo vệ quyền lợi khách hàng luôn là mục tiêu được đặt lên hàng đầu.
– Kiểm sát viên/Công tố viên: Là người có nhiệm vụ điều tra, truy tố và buộc tội kẻ phạm pháp trong các vụ án hình sự và các phiên tòa xét xử.
– Thẩm phán: Thẩm phán sẽ làm việc tại tòa án, xét xử các vụ án, quyết định những hình thức xét xử, hình phạt thích hợp với các hành vi vi phạm pháp luật. Những người có liên quan phải thực hiện nghiêm túc trước phán quyết của thẩm phán, nếu không cơ quan nhà nước sẽ cưỡng chế thi hành.
– Giảng viên ngành luật: Có hiểu biết từ tốt đến cực tốt về chuyên môn luật và có khả năng sư phạm, giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng hoặc giáo viên môn giáo dục công dân tại các trường phổ thông trung học.
Ngoài ra còn có một số nghề khác trong lĩnh vực pháp luật như: Chấp hành viên, cố vấn pháp lý, chuyên viên tư vấn pháp luật, chuyên viên lập pháp, hành pháp và tư pháp,…
V. Thi tuyển sinh ngành Luật
1. Ngành Luật thi khối nào?
Ngành Luật có sự đa dạng về khối thi và các tổ hợp môn, giúp bạn có thể dễ dàng lựa chọn khối thi phù hợp để đạt được kết quả tốt nhất khi tham gia xét tuyển, dưới đây là các tổ hợp môn xét tuyển được ngành Luật:
– A00 (Toán, Vật lí, Hóa học)
– A01 (Toán, Vật lí, Tiếng Anh)
– C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí)
– D01 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh)
– D03 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Pháp)
– D06 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Nhật)
2. Ngành Luật lấy bao nhiêu điểm?
Điểm chuẩn để thi vào ngành Luật theo các năm và ở các trường không hề giống nhau. Tuy nhiên theo thống kê từ năm 2015 đến năm 2021 thì điểm chuẩn của ngành Luật nằm ở mức trung bình cao là từ 18 – 29,27 điểm. Cụ thể vào năm 2021, điểm chuẩn của ngành Luật ở một số trường như sau:
– Tại trường Đại học Luật Hà Nội có số điểm xét tuyển cao nhất dành cho học sinh THPT không chuyên cho ngành Luật kinh tế là 29,27 điểm ở khối A00, một con số vô cùng cao. Và có số điểm xét tuyển thấp nhất cho ngành Luật là 27,10 điểm ở khối C00 dành cho học sinh THPT không chuyên.
– Tại trường Đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) trung bình điểm xét tuyển ở mức 26,26 điểm – đây là tổng điểm 3 môn của tổ hợp xét tuyển A00, A01, D01 và D07.
Bài viết trên đã cung cấp thông tin cũng như giải đáp thắc mắc của các bạn về ngành Luật. Rất mong bài viết sẽ hữu ích với bạn, nếu có góp ý hoặc câu hỏi hãy để lại chúng ở phần bình luận và hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết sau!