19 C
Vietnam
Thứ sáu, Tháng mười một 22, 2024

Deal lương là gì? Kinh nghiệm deal lương hiệu quả dành cho bạn

Khi mới ra trường hoặc chuyển sang một ngành hoàn toàn mới, CV của bạn sẽ có nhiều khoảng trống lớn. Ngay lúc này, câu hỏi được đặt ra sẽ là: liệu bạn có nên deal lương thấp chỉ vì bạn không có nhiều kinh nghiệm trong CV?

Cùng tìm hiểu những “tuyệt chiêu” deal lương để bạn vừa đạt được mức lương mong muốn, vừa tránh việc nhà tuyển dụng nghĩ bạn yêu sách nhé!

Deal lương là gì?

Deal lương hay thỏa thuận lương chính là quá trình cân nhắc, đàm phán và điều chỉnh mức lương bổng giữa ứng viên và nhà tuyển dụng thông qua buổi phỏng vấn. 

Deal lương thỏa đáng sẽ giúp nhân viên đạt được thu nhập xứng đáng với năng lực và vị trí công việc. Cùng một gói công việc, nhưng mức lương của mỗi người sẽ khác nhau dựa trên khả năng deal lương của họ.

Sự khác biệt giữa lương Gross và lương Net – tại sao bạn cần biết điều này khi deal lương?

Trước khi tìm hiểu về các “tuyệt chiêu” deal lương, bạn cần đặc biệt lưu ý một điều chính là: Phân biệt rạch ròi giữa lương gross và lương net.

Lương gross là tổng thu nhập mà người lao động nhận được. Mức lương này bao gồm cả lương cứng và các khoản trợ cấp, phụ cấp, hoa hồng, các khoản tiền bảo hiểm và thuế thu nhập cá nhân. 

Tuy nhiên, người lao động buộc phải trích một phần tiền lương gross để đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và thuế thu nhập cá nhân (thuế TNCN)  hàng tháng. 

Kinh nghiệm deal lương hiệu quả
Kinh nghiệm deal lương hiệu quả

Trong khi đó, lương net chính là mức lương mà người lao động nhận được 100% từ công ty. Bởi lẽ, mức lương này đã trừ hết các khoản chi phí thuế TNCN, BHXH, v.v.

Nhà tuyển dụng sẽ thích deal lương gross, trong khi người lao động sẽ thích deal lương net. Bạn cần hết sức lưu ý điều này trong quá trình deal lương với nhà tuyển dụng. Bởi dù nghe lương gross có vẻ nhiều, nhưng nếu trừ các khoản phí thì có thể lương thực nhận của bạn chẳng còn bao nhiêu.

Vì sao nên deal lương thoải đáng dù bạn từng có một khoảng nghỉ dài trong sự nghiệp?

Trở lại môi trường công sở sau một khoảng nghỉ dài thật chẳng mấy dễ dàng. Thậm chí nếu bạn quay lại lĩnh vực cũ, mọi thứ giờ đây cũng sẽ rất khác. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa rằng bạn sẽ phải nhận một mức lương thấp tệ. Vì sao ư?

Bạn đã chuẩn bị sẵn sàng cho khởi đầu mới

Để quay về guồng công việc như trước kia, bạn không thể nào “tay không đánh giặc”. Bạn đã phải chuẩn bị rất nhiều: nhớ lại cách làm việc của mình trước kia; đối chiếu điều đó với xu hướng, đặc điểm mới của ngành trong thời điểm hiện tại; tự công tác tư tưởng về chuyện “tre già măng mọc” (trong trường hợp bạn cảm thấy áp lực vì giới trẻ giỏi hơn bạn nhiều);…

Bạn có nhiều lợi thế hơn bạn nghĩ

Nếu như bạn và nhà tuyển dụng đạt đến bước deal lương, điều đó báo hiệu một tin tốt lành: 80% họ muốn chọn bạn vào công ty của họ.

Có thể họ đã rất ưng ý với phần thể hiện của bạn từ CV đến khâu phỏng vấn. Sau khi dành rất nhiều thời gian và công sức để sàng lọc các ứng viên, bạn có thể chính là viên ngọc sáng giá nhất với họ. 

Hãy xem đây là lợi thế để bạn đưa ra mức lương phù hợp với giá trị của mình. 

Khoảng nghỉ dài ấy không nên là một nhân tố chính khi deal lương

Mức lương bạn nhận được nên dựa vào sự tương thích giữa khả năng, kỹ năng của bạn và yêu cầu của vị trí đó. 

Nếu sự thể hiện của bạn vượt mức mong đợi của nhà tuyển dụng trong cả vòng CV lẫn phỏng vấn, bạn hoàn toàn có thể deal lương từ ổn đến cao. Miễn nó phù hợp với giá trị bạn mang lại cho công ty trong tương lai. 

Bậc lương sẽ là một hành trình tăng dần đều

Những nhân viên “chân ướt chân ráo” vào ngành mới sẽ nhận mức lương ở bậc thấp. Một khi họ đủ năng lực trong công việc, mức lương sẽ tự tiến đến giữa bậc. Cuối cùng, khi sự thể hiện của họ vượt ngưỡng kỳ vọng, họ có thể sẽ nhận được bậc lương cao nhất.

Chính vì thế, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát mức deal lương của chính mình. Một vài câu hỏi sau đây có thể sẽ hữu ích: Bậc lương này đang như thế nào so với thị trường? Bậc lương này liệu đã tương thích với năng lực hiện tại? Bạn và nhà tuyển dụng có đang “cùng pha” với nhau về năng lực hiện thời của bạn?

Cần làm gì để tự tin deal lương sau một thời gian dài thất nghiệp?

Tự đánh giá giá trị của bản thân

Giá trị của bạn không phụ thuộc 100% vào kinh nghiệm công việc trong quá khứ. Hơn thế, deal lương còn là về tư duy, kỹ năng, khả năng ứng biến, tính cách, v.v, của bạn. Bạn cứ tự tin deal lương phù hợp với giá trị bạn có.

Ngoài kinh nghiệm trong quá khứ, các bằng cấp (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, nghiên cứu sinh,…) có liên quan có thể tác động tốt đến quá trình deal lương. Trình độ ngoại ngữ của bạn cũng có thể là một ưu thế khi bước vào môi trường công sở toàn cầu đấy.

Tránh sa vào bẫy “Ờ thôi, nhiêu đó là quá tốt rồi!”

Từ mức lương bằng không (thất nghiệp) hay vài triệu (lương thực tập), bạn sẽ không khỏi sung sướng khi nhà tuyển dụng đề nghị mức lương cao hơn gấp 5 – 10 lần. 

Khoan vội mừng, hãy bình tĩnh hít thở và cân nhắc các câu hỏi dưới đây: 

  • Bạn đã hoàn toàn hiểu gói công việc, trách nhiệm và mức đãi ngộ chưa?
  • Đâu là bậc lương điển hình cho công việc của bạn? Mức lương bạn được đề nghị đã nằm trong khoảng đó chưa?
  • Những ưu tiên, mong muốn và nhu cầu của bạn cho công việc mới này là gì? Bạn có sẵn sàng thỏa hiệp với nó?

Nghiên cứu mức lương thị trường

Mức lương thị trường sẽ là cơ sở nền tảng để bạn biết được rằng mức lương bạn đang được đề nghị là hợp lý hay chưa. 

Bạn cần tìm hiểu thật kỹ cơ sở này, vì nó sẽ giúp bạn tạo được ấn tượng tốt trong mắt nhà tuyển dụng. Bạn sẽ tránh bị coi là quá yêu sách và không biết điều đấy!

Cách deal lương khéo léo và hiệu quả

Biết rõ mức lương tối thiểu

Điều đầu tiên cần lưu ý trong cách deal lương là xác định rõ mức lương ít nhất mà bạn mong muốn được nhận để không thỏa thuận “hớ” với doanh nghiệp. Nhà tuyển dụng đương nhiên luôn mong muốn tiết kiệm chi phí nhất có thể nên sẽ đưa ra những con số an toàn chọ họ. 

Vì vậy, điều bạn cần làm là biết rõ mức lương tối thiểu cho ngành nghề và vị trí mình đang ứng tuyển để không dễ gật đầu trước mức lương thấp hơn năng lực làm việc cá nhân.

Khẳng định bản thân

Yếu tố chuyên môn luôn là chìa khóa để mở ra mọi cơ hội làm việc cho bạn. Nó không chỉ giúp bạn nhận được cơ hội việc làm, mà còn đảm bảo một mức lương tương xứng. 

Hãy luôn ghi nhớ phải lồng ghép chuyên môn nghiệp vụ vào cuộc phỏng vấn bằng cách chuẩn bị sẵn những ví dụ cụ thể về cách bạn làm việc, giải quyết các vấn đề phát sinh hay giúp công ty cũ tăng trưởng và phát triển ra sao. 

Nếu bạn có một khoảng trống trong CV trước đó, đừng khiến nó trở thành vật ngáng chân bạn. Hãy tận dụng cơ hội này để nói về những kỹ năng hoặc chứng chỉ mà bạn đã học thêm được trong khoảng thời gian đó. Từ đó, bạn cũng có thể “khoe” thêm được về khả năng chuyên môn của mình.

Đề cập vấn đề từ từ

Đừng vội nhắc về vấn đề lương khi nhà tuyển dụng chưa đề cập đến nó vì đây là hành động thiếu tinh tế khiến bạn bị điểm trừ vô cùng lớn.

Điều quan trọng nhất là phải cho nhà tuyển dụng thấy mục tiêu và mong muốn lớn nhất của bạn là được quay trở lại với guồng quay công việc và tiếp tục phát triển con đường sự nghiệp sau một khoảng thời gian dài nghỉ ngơi.

Hãy thuyết phục nhà tuyển dụng bằng chuyên môn và chứng minh khả năng với họ trước khi đề cập đến câu chuyện lợi ích. Nếu bạn được yêu cầu, bên cạnh nói lên mức lương mong muốn, hãy thể hiện sự cởi mở và sẵn sàng tham gia thương lượng mức lương khác thích hợp với họ.

Xác định mức lương kỳ vọng

Cách đàm phán lương đơn giản nhất là bạn nên xác định trước cho mình về hai mức lương mong muốn, đó là mức cao nhất và thấp nhất. Khi được hỏi, cách tốt nhất là hãy đưa ra khoảng lương mong muốn nay thay vì nói về một con số cụ thể.

Không tiết lộ mức lương cũ

Một điều cần lưu ý trong khi deal lương chính là bạn không nên nói về mức lương cũ cho dù được hỏi hay không. 

Lý do cho việc này là vì nhiều nhà tuyển dụng thường dùng mức lương trong quá khứ của bạn như một tham chiếu cho con số họ sẽ đưa ra cho bạn trong tương lai. Đôi khi, điều này sẽ gây bất lợi cho bạn, đặc biệt là sau một quãng nghỉ dài trong sự nghiệp.

Mức lương theo từng ngành nghề luôn được điều chỉnh thường xuyên để phù hợp với sự phát triển của thị trường việc làm ở thời điểm hiện tại. Mức lương trong quá khứ của bạn có thể đã không còn hữu dụng, hoặc đã được tăng lên đáng kể so với khi bạn còn ở vị trí đó. 

Việc đưa ra một con số thấp trong quá khứ có thể sẽ khiến nhà tuyển dụng đánh giá sai về khả năng và năng suất làm việc của bạn. Từ đó, mức lương khởi điểm bạn nhận được cho vị trí hiện tại có thể sẽ thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.

Tìm hiểu trước mức lương tại công ty

Khi deal lương, để đưa ra được con số vừa phù hợp với yêu cầu của bạn, vừa tránh đưa ra một con số quá mức mà công ty có thể trả khiến bạn mất đi cơ hội việc làm, bạn nên nghiên cứu trước thông tin về các mức lương mà công ty đó đã từng trả cho nhân viên của mình. 

Tìm hiểu trước mức lương tại công ty
Tìm hiểu trước mức lương tại công ty

Bạn có thể tìm kiếm những thông tin này thông qua mạng xã hội hoặc các trang review công ty uy tín. Một vài công ty cũng đề rõ khoảng lương cho vị trí họ đang tuyển trên tin tuyển dụng. Ngoài ra, hãy hỏi xung quanh mạng lưới của mình nếu có hỏi bạn bè hoặc người thân đã từng làm việc tại đây.

Hãy cố gắng “ghi điểm” để được ưa thích

Điều này nghe có vẻ bình thường, nhưng lại rất quan trọng: một khi ai đó thích bạn, họ sẽ nỗ lực để có được bạn. 

Một khi tạo được sự thích thú từ phía nhà tuyển dụng, việc deal lương bỗng chốc hóa dễ dàng. Để “lọt vào mắt xanh” của họ, bạn cần phối hợp khéo léo giữa kỹ năng, khả năng ứng biến và tính cách của mình. Một câu pha chuyện hài hước sẽ khiến nhà tuyển dụng nhìn thấy khía cạnh hài hước, tích cực của bạn.

Tất nhiên, điều này chỉ là yếu tố được cân nhắc sau khi nhà tuyển dụng cân nhắc về kỹ năng và khả năng hoàn thành công việc của bạn. Nhưng nếu được thích, bạn hoàn toàn có thể deal lương nhỉnh hơn một tẹo đấy!

Hiểu người đang đối thoại với bạn khi deal lương

Tác động đến cảm xúc và tâm lý của người mà bạn đang deal lương sẽ ảnh hưởng đến mức lương của bạn trong tương lai. Điều này buộc bạn phải thấu hiểu người mình đang đối thoại là ai.

Sở thích và mối quan tâm cá nhân của họ là gì? Ví dụ, deal lương với sếp tương lai sẽ rất khác so với thỏa thuận Job Offer mức lương với đại diện HR. 

Nếu như đại diện HR sẽ ngần ngại việc phá vỡ tiền lệ thì sếp tương lai – người trực tiếp hưởng lợi từ việc bạn gia nhập công ty – có thể đề nghị mức lương tốt hơn cùng những đãi ngộ đặc biệt cho bạn.

Sẵn sàng cho những câu hỏi khó nhằn

Không ít ứng viên từng đối mặt với những câu hỏi khó mà họ muốn né: Bạn có nhận được lời đề nghị nào khác không? Nếu chúng tôi đưa ra đề nghị cho bạn vào ngày mai, bạn sẽ đồng ý chứ? Công ty của chúng tôi có phải là lựa chọn hàng đầu của bạn?

Nếu không có sự chuẩn bị, rất có khả năng bạn sẽ nói “hớ” hoặc tệ hơn là trả lời sai sự thật. Và bạn biết đấy, nói dối khi deal lương không phải là một ý hay. 

Chính vì thế, bạn cần chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ câu hỏi hóc búa nào. Mục tiêu của bạn là trả lời trung thực mà vẫn thông minh, tinh tế. Có thế, bạn sẽ vừa có thể deal được mức lương mong muốn, vừa ghi điểm cộng lớn trong mắt nhà tuyển dụng.

Lựa chọn thêm các giải pháp thay thế cho tiền mặt

Đừng chỉ cứng nhắc về tiền mặt khi deal lương. Có nhiều công ty đã cố định mức lương cứng nên bạn không tài nào phá vỡ luật lệ ấy. 

Thay vào đó, bạn hoàn toàn có thể đề nghị những giải pháp thay thế cho tiền mặt: đãi ngộ, trợ cấp ăn/ uống/ di chuyển, hỗ trợ thêm ngày nghỉ phép, thỏa thuận thời gian làm việc,… 

Gói đãi ngộ ấy tuy không phải là tiền mặt, nhưng có thể sẽ mang đến những giá trị tương đương. Giả sử như bạn được trợ cấp thêm tiền ăn uống, di chuyển hàng ngày, bạn sẽ không phải “đau đầu” vì tiền đi chợ hay xăng xe mỗi tháng. 

Đưa ra lời đề nghị mang tính cạnh tranh

Khi đàm phán lương, hãy đưa ra những luận điểm của bạn để giải thích về mức lương mình đang yêu cầu, ví dụ như mức lương cơ bản thị trường và lĩnh vực đang tuyển dụng, kết hợp với việc chứng minh cho họ thấy bạn sẽ đóng góp được gì trong tương lai. Nhà tuyển dụng sẽ nhận thức được giá trị mà bạn mang lại.

Đưa ra lời đề nghị mang tính cạnh tranh
Đưa ra lời đề nghị mang tính cạnh tranh

Đừng vội nhận lời mời làm việc

Thông thường bạn sẽ có 1-2 ngày để đáp lại lời mời làm việc từ phía công ty. Đừng quá nôn nóng và mất đi bình tĩnh để xem xét mức lương có phù hợp hay không trong lúc đang vui mừng vì được chọn. 

Nếu chưa thật sự thỏa mãn, cứ tự tin deal lương lại và trình bày lý do vì sao bạn tin rằng mình nên được trả cao hơn. 

Những điều “cấm kị” khi deal lương

  • “Mách lẻo” mức lương bạn nhận được ở công ty cũ cho công ty mới.
  • Đưa ra một mức lương cụ thể, cứng nhắc khi phỏng vấn.
  • Deal lương ngay từ đầu cuộc phỏng vấn.
  • Chuẩn bị sơ sài trước khi phỏng vấn.
  • Quá yêu sách.
  • Không hiểu rõ năng lực và giá trị của bản thân.

Vậy, có nên deal lương thấp chỉ vì bạn có khoảng trống lớn trong CV không? Câu trả lời chắc chắn là KHÔNG rồi. 

Hy vọng với những lời khuyên hữu ích từ phía trên, bạn có thể tự tin tham gia phỏng vấn và deal được mức lương phù hợp với năng lực như mong đợi nhé!

 

Bài viết gần đây