21 C
Vietnam
Thứ hai, Tháng chín 16, 2024

Vai trò của logistics đối với hoạt động kinh tế và doanh nghiệp?

Logistics là một thuật ngữ xuất hiện từ khá sớm, bắt nguồn từ tiếng Pháp “loger” có nghĩa là đóng quân. Thuật ngữ logistics ban đầu được sử dụng như một từ chuyên môn trong quân đội, trải qua dòng chảy lịch sử cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, logistics dần được nghiên cứu sâu và …vai trò của logistics trong thời đại phát triển kinh tế như vũ bão như thế nào. Cùng theo dõi bài viết nhé!

1. Tổng quan về logistics

1.1 Logistics là gì?

Logistics là một thuật ngữ xuất hiện từ khá sớm, bắt nguồn từ tiếng Pháp “loger” có nghĩa là đóng quân. Thuật ngữ logistics ban  đầu được  sử dụng như một từ chuyên môn trong quân đội, trải qua dòng chảy lịch sử cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, logistics dần được nghiên cứu sâu và áp dụng trong các lĩnh vực khác như sản xuất, kinh doanh. Phải thừa nhận rằng, tốc độ phát triển của logistics hết sức nhanh chóng, khoảng nửa đầu thế kỷ 20 thuật ngữ logistics vẫn còn xa lạ với nhiều người thì đến cuối thế kỷ logistics đã được xem như là một chức năng kinh tế chủ yếu, một công cụ hữu hiệu mang lại thành công cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh.

Vai trò của logistics
Vai trò của logistics

Hiện nay mỗi ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh đều có một  khái niệm về logistics cho riêng mình, khó có thể khẳng định khái niệm nào là đúng nhất vì mỗi khái niệm có một cách tiếp cận và góc nhìn khác nhau. Tuy nhiên, có thể nêu ra một số khái niệm chủ yếu sau :

Theo cách tiếp cận của hội đồng quản trị Logistics của Hoa Kỳ (CLM), khái niệm này được hiểu như sau: “ Logistics là quá trình hoạch định, tổ chức thực hiện và kiểm soát một cách có  hiệu quả quá trình lưu chuyển, dự trữ  hàng hóa, dịch vụ và những thông tin liên quan từ điểm xuất phát đầu tiên đến điểm tiêu dùng cuối cùng nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng”. Đây cũng  là định nghĩa được chú ý nhiều nhất và được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay.

Dưới góc độ quản trị chuỗi cung ứng: logistics là quá trình  tối ưu hóa về vị trí, lưu trữ và chu chuyển các tài nguyên/ yếu tố đầu vào từ điểm xuất phát đầu tiên là nhà cung cấp, qua nhà sản xuất, người bán buôn, bán lẻ, đến tay người tiêu dùng cuối cùng, thông qua hàng loạt các hoạt động kinh tế (Logistics and Supply Chain Management – Ma Shuo – 1999).

Theo khái niệm của Liên Hợp Quốc (Khóa đào tạo quốc tế về vận tải đa phương thức và quản lý logistics, Đại học Ngoại Thương, Hà Nội tháng 10/2002): Logistics là hoạt động quản lý quá trình lưu chuyển nguyên vật liệu qua các khâu lưu kho, sản xuất ra sản phẩm cho tới tay người tiêu dùng theo yêu cầu của khách hàng.

Ủy ban Quản lý logistics của Hoa Kỳ thì định nghĩa: Logistics là quá trình lập  kế hoạch, chọn phương án tối ưu để thực hiện việc quản lý, kiểm  soát việc di chuyển và bảo quản có hiệu quả về chi phí và ngắn nhất về thời gian đối với nguyên vật liệu, bán thành phẩm và thành phẩm, cũng như các thông tin tương ứng từ giai đoạn tiền sản xuất cho đến khi hàng hóa đến tay người tiêu dùng cuối cùng để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Trong luật Thương mại năm 2005 của nước ta, Điều 233 không định nghĩa Logistics mà định nghĩa dịch vụ Logistics như sau: “Dịch vụ Logistics  là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công đoạn bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ  tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận của khách hàng để hưởng thù lao. Dịch vụ logistics được phiên âm theo tiếng Việt là dịch vụ lô-gi-stic.”

Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau nhưng các khái niệm về dịch vụ logistics có thể chia làm hai nhóm:

Nhóm định nghĩa hẹp mà tiêu biểu là định nghĩa của Luật Thương mại 2005 coi logistics gần như tương tự với hoạt động giao nhận hàng hóa. Tuy nhiên cũng cần chú ý là định nghĩa trong Luật Thương mại có tính mở, thể hiện trong cụm từ “hoặc các dịch vụ khác có liên quan tới hàng hóa”. Trong một số lĩnh vực chuyên ngành, khái niệm logistics cũng được coi là có nghĩa hẹp, tức là chỉ bó hẹp  trong phạm vi, đối tượng của ngành đó. Theo nhóm  định nghĩa này, bản chất của logistics mang nhiều yếu tố vận tải, người cung cấp dịch vụ logistics không có nhiều khác biệt so với người cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức (MTO).

Nhóm định nghĩa thứ 2 về logistics có phạm vi rộng, có  tác động từ  giai đoạn tiền sản xuất cho tới khi hàng hóa tới tay của người tiêu dùng cuối cùng. Theo nhóm định nghĩa này, logistics gắn liền với hoạt động quản lý  dòng lưu chuyển của nguyên, nhiên vật liệu từ khâu mua sắm  làm  đầu vào cho quá trình sản xuất, sản xuất ra hàng hóa, đưa vào các kênh lưu thông,  phân phối, đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Nhóm định nghĩa này của logistics góp phần phân định rõ ràng giữa các nhà cung cấp từng dịch vụ đơn  lẻ như dịch vụ vận tải, giao nhận, khai thuê hải quan… với một nhà cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp, người sẽ đảm nhận toàn bộ các khâu trong quá trình hình thành và đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng cuối cùng.

1.2 Đặc điểm của logistics

Theo giáo trình Logistics và Vận tải quốc tế (Trường Đại học Ngoại thương, 2009)1, logistics có một số đặc điểm như sau:

  • Logistics là một quá trình. Điều đó có nghĩa logistics không phải là một hoạt động đơn lẻ mà là một chuỗi các hoạt động liên tục, liên quan mật thiết  và tác động qua lại lẫn nhau, được thực hiện một cách khoa học và có hệ  thống qua các bước : nghiên cứu, hoạch định, tổ chức, quản lý, thực hiện,  kiểm tra, kiểm soát và hoàn thiện. Do đó, logistics xuyên suốt mọi giai đoạn,  từ giai đoạn đầu vào cho đến giai đoạn tiêu thụ sản phẩm cuối cùng.
Đặc điểm của logistics
Đặc điểm của logistics
  • Logistics liên quan đến tất cả nguồn tài nguyên/các yếu tố đầu vào cần thiết để tạo ra sản phẩm hay dịch vụ phù hợp với yêu cầu của người  tiêu  dùng. Nguồn tài nguyên không chỉ có vật tư, nhân lực, mà còn bao gồm cả dịch vụ, thông tin, bí quyết công nghệ

2. Vai trò của logistics

2.1 Đối với hoạt động kinh tế quốc tế

Xu thế tất yếu của thời đại ngày nay là toàn cầu hoá nền kinh tế thế  giới. Sự phát triển sôi động của thị trường toàn cầu đã làm cho giao thương giữa các quốc gia, các khu vực trên thế giới tăng một cách mạnh mẽ và đương nhiên sẽ kéo theo những nhu cầu mới về vận tải, kho bãi, các dịch vụ phụ trợ… Vai trò của logistics vì thế cũng ngày càng trở nên quan trọng.

Logistics là công cụ hữu hiệu dùng để liên kết các hoạt động kinh tế quốc tế, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao. Việc áp dụng hệ thống logistics toàn cầu đã tối ưu hóa chu trình lưu chuyển của sản xuất hàng hóa từ khâu đầu vào của nguyên vật liệu cho tới khâu phân phối sản phẩm cuối cùng đến tay khách hàng sử dụng, khắc phục được những ảnh hưởng của các yếu tố không gian, thời gian và chi phí sản xuất cho các hoạt động kinh tế quốc tế, nhờ đó các hoạt động này luôn được “kết dính” với nhau và được thực hiện một cách có hệ thống, đạt hiệu quả cao.

Logistics phát triển góp phần mở rộng thị trường kinh doanh quốc tế.  Hệ thống logistics có tác dụng như một chiếc cầu nối đưa hàng  hóa đến các thị trường mới theo đúng yêu cầu về thời gian và địa điểm đặt ra. Do đó, với  sự hỗ trợ của hệ thống logistics, quyền lực của nhiều công ty đã vượt ra khỏi biên giới địa lý của nhiều quốc gia. Một mặt, các nhà sản xuất kinh doanh có thể chiếm lĩnh thị trường cho sản phẩm của mình, mặt khác, thị trường kinh doanh quốc tế cũng được mở rộng và phát triển.

Logistics góp phần giảm chi phí, hoàn thiện và tiêu chuẩn hóa chứng từ trong kinh doanh quốc tế. Thực tiễn, mỗi giao dịch trong buôn bán quốc tế thường phải sử dụng đến nhiều loại giấy tờ, chứng từ rườm rà, làm tiêu tốn rất nhiều chi phí, ảnh hưởng lớn tới tốc độ và hiệu quả của các hoạt động buôn bán quốc tế. Logistics đã cung cấp các dịch vụ đa dạng trọn gói, không những khắc phục được những yếu điểm đó mà còn nâng cấp và chuẩn hóa chứng từ cũng như giảm khối lượng công việc văn phòng trong lưu thông hàng hóa, từ đó nâng cao hiệu quả buôn bán quốc tế.

Ngoài ra, sự phát triển của logistics điện tử (electronic logistics) sẽ tạo ra cuộc cách mạng trong dịch vụ vận tải và logistics, chi phí cho giấy tờ,  chứng từ trong lưu thông hàng hóa càng được giảm tới mức tối đa, chất lượng dịch vụ logistics ngày càng được nâng cao sẽ thu hẹp hơn nữa cản trở về mặt không gian và thời gian trong dòng lưu chuyển nguyên vật liệu và hàng hóa. Các quốc gia sẽ xích lại gần nhau hơn trong hoạt động sản xuất và lưu thông.

2.2 Đối với nền kinh tế quốc dân

Có thể nói rằng, logistics có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo nên lợi thế cạnh tranh cho mỗi quốc gia.

Ở mỗi quốc gia, mỗi một vùng địa lý có những đặc điểm về địa hình khác nhau, nguồn tài nguyên khoáng sản khác nhau và có phương thức lao động, tập quán khác nhau, do đó cần phải có sự phân bố, sắp xếp các ngành sản xuất, các khu công nghiệp, các trung tâm kinh tế sao cho phù hợp với những điều kiện riêng và tổng thể nhằm phát huy được các nguồn lực một  cách hiệu quả nhất. Hệ thống logistics đã góp phần vào việc phân bố các ngành sản xuất một cách hợp lý để đảm bảo sự cân đối và tăng trưởng của  toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Đối với nền kinh tế quốc dân
Đối với nền kinh tế quốc dân

Đối với bất cứ nền kinh tế nào, việc lưu thông phân phối hàng hoá, trao đổi giao lưu thương mại giữa các vùng trong nước với  nhau và với nước  ngoài luôn là hoạt động thiết yếu. Nếu nó được thông suốt, có hiệu quả, thì sẽ góp phần to lớn làm cho các ngành  sản xuất phát triển; còn nếu bị ngưng trệ thì sẽ tác động xấu đến toàn bộ sản xuất và đời sống. Khi xem xét ở góc độ tổng thể, ta thấy logistics là mối liên kết kinh tế gần như toàn bộ quá trình sản xuất, lưu thông và phân phối hàng hóa. Hoạt động logistics không những làm cho quá trình lưu thông, phân phối được thông suốt, chuẩn xác và an toàn, mà còn giảm được chi phí vận tải. Nhờ đó hàng hoá được đưa đến thị trường một cách nhanh chóng, kịp thời. Người tiêu dùng có thể mua được hàng hoá một cách thuận tiện, linh hoạt, thỏa mãn nhu cầu của mình.

Hiện nay, ở các nước phát triển như Nhật, Mỹ, chi phí logistics chiếm 10-13% GDP; đối với những nước đang phát triển thì khoảng 15% – 20% GDP, Việt Nam là 25% GDP, với nước kém phát triển tỷ lệ này có thể lên đến hơn 30% GDP2. Có thể thấy chi phí logistics chiếm một khoản không nhỏ đối với nền kinh tế, nó tác động tới và chịu tác động bởi các hoạt động kinh tế khác. Một khi logistics được phát triển sẽ làm giảm chi phí, đảm bảo về thời gian và chất lượng cho các hoạt động kinh tế khác.

Như vậy, logistics là một chuỗi các hoạt động tổng hợp mang tính dây chuyền, hỗ trợ cho luồng chu chuyển của nhiều giao dịch kinh tế, phân phối hầu hết các loại hàng hóa và dịch vụ. Do đó, nền kinh tế quốc dân chỉ có thể phát triển nhịp nhàng, đồng bộ một khi dây chuyền logistics hoạt động liên  tục, nhịp nhàng.

2.3 Đối với doanh nghiệp

Ngày nay các doanh nghiệp phải tồn tại trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt, trong môi trường này doanh nghiệp vừa phải tìm kiếm các nguồn lực để sản xuất và đồng thời tìm kiếm khách hàng tiêu thụ các sản phẩmđã sản xuất ra. Phương tiện liên kết doanh nghiệp với môi trường hoạt động đó chính là hệ thống logistics.

Đối với các doanh nghiệp, logistics là một nhân tố quan trọng bởi nó giúp giải quyết cả đầu ra lẫn đầu vào cho doanh nghiệp một cách hiệu quả.  Các kênh logistics vừa cung cấp nguyên liệu thô cho sản xuất, tạo điều kiện phát triển vận tải, vừa cung cấp thành phẩm cho hệ thống phân phối vật chất. Không những thế, logistics còn cung cấp sự hỗ trợ trên các điểm chuyển giao quyền sở hữu, nhờ đó quá trình từ sản xuất đến phân phối hàng hóa, dịch vụ luôn được tối ưu hóa.

Việc giảm chi phí logistics luôn được các nhà quản trị đặt lên hàng đầu trong chương trình giảm tổng chi phí cho doanh nghiệp. Đặc biệt là trong thời gian gần đây khi mà tình hình kinh doanh đã thay đổi với chi phí logistics ngày càng tăng cao do sự bất ổn trong giá xăng dầu và sự tăng  lên trong chi phí an ninh. Vì vậy với việc phát triển hệ thống logistics sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí trong quá trình sản xuất, làm cho quá trình sản xuất kinh doanh tinh giản hơn và đạt hiệu quả hơn, góp phần tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Ngoài ra, logistics còn hỗ trợ đắc lực cho hoạt động marketing, đặc biệt là marketing hỗn hợp (4P – Right Product, Right Price,  Proper Promotion,  and Right Place). Chính logistics đóng vai trò then chốt trong việc đưa sản phẩm đến đúng nơi cần đến, vào đúng thời điểm thích hợp. Sản phẩm/dịch vụ chỉ có thể làm thỏa mãn khách hàng và có giá trị khi và chỉ khi nó đến được với khách hàng đúng thời hạn và địa điểm quy định

Logistics là một nhân tố quan trọng trong nền kinh tế, vai trò của logistics trong thời đại ngày nay vô cùng quan trọng ảnh hưởng tới hoạt động mậu dịch kinh tế của doanh nghiệp và quốc gia

Bài viết gần đây